Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng phương Tây không đánh giá đầy đủ mức độ thực sự của mối đe dọa xung đột hạt nhân - Ảnh: AFP

"Có lẽ đến thời điểm khi sửa đổi học thuyết hạt nhận sẽ phản ánh kinh nghiệm thu được trong quá trình chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine)", ông Ryabkov chia sẻ trên kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 27-6.

Theo ông Ryabkov, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược là thông điệp không chỉ đối với các chuyên gia quân sự, các nhà ngoại giao, mà còn đối với công chúng ở các nước phương Tây.

Ngoài ra, Ryabkov cho rằng phương Tây không đánh giá đầy đủ mức độ của mối đe dọa xung đột hạt nhân khi NATO liên tục leo thang về vấn đề này, cung cấp vũ khí cho Ukraine

Ngày 24-6, Điện Kremlin xác nhận nước này đang thay đổi học thuyết hạt nhân để phù hợp với bối cảnh hiện tại

Học thuyết hạt nhân hiện tại quy định Nga có thể sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy ước nhưng gây ra mối đe dọa cho sự sống còn với nước Nga.

Ngày 27-6, Liên minh châu Âu (EU) và hai nước Lithuania và Estonia đã ký các thỏa thuận an ninh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Brussels.

Theo Hãng tin Reuters, thỏa thuận với EU cam kết khối này sẽ giúp đỡ Ukraine trong 9 lĩnh vực chính sách an ninh và quốc phòng, bao gồm cung cấp vũ khí, huấn luyện quân sự, hợp tác công nghiệp quốc phòng và rà phá bom mìn.

Các thỏa thuận này tiếp nối những thỏa thuận tương tự khác giữa Ukraine và các đồng minh kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Nga. Đến nay, Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã ký kết các hiệp ước an ninh với Kiev.

Các thỏa thuận này không giống như hiệp ước phòng thủ chung giữa các quốc gia NATO, mà là cam kết cung cấp cho Ukraine vũ khí và các viện trợ khác để tăng cường an ninh của Kiev và ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai.